I rap
Tôi có một đứa bạn rất hay đăng linh tinh lên Facebook, chắc ngày nào cũng có bài mới. Toàn mấy cái đâu đâu. Lắm lúc tôi lẩm bẩm cái thằng hâm này sao cứ như trẻ con mãi thế.
Bẵng đi một thời gian dài, tự nhiên tôi lại cảm thấy thích đọc mấy bài nhảm nhảm kiểu đấy. Ngày xưa tôi cũng thế chẳng khác gì, có ngày đăng 3 cái status, bị đau đầu cũng đăng, đứng chờ xe bus bị bỏ bến cũng đăng, thầy cho tan lớp sớm quá cũng đăng. Trung bình mỗi status được 1 like, nghĩ nó chán. Mà thật ra hồi ấy có nghĩ gì đâu, cảm thấy cũng vui, giờ già mới sinh ra ngại đăng linh tinh, ít like thì thằng con nó đánh giá, vả lại chuyện của mình thì mình để ý thôi chứ người ta có rảnh đâu mà quan tâm làm gì.
Hoá ra thằng bạn tôi của bây giờ và tôi của ngày xưa vẫn là cái tôi muốn. Lảng tránh một hồi rồi lại quay về điểm xuất phát. Bây giờ tôi không còn biết những người quanh mình đã trở nên thế nào, vì họ cũng ít nói ra. Bài đăng của mỗi người trên Facebook dần dần già đi theo tuổi đời của họ, về những thứ lớn lao mà không thể đạt được mỗi ngày, nên rồi không còn gì để đăng thường xuyên nữa. Này, mày đã 30 tuổi rồi, thứ mày nên đăng là một cái nhà, một cái xe, một danh hiệu nhân viên xuất sắc. Sao lại đăng ảnh của một cái cây ngáo ngơ mà mày gặp trên đường đi làm về?
Tôi nghĩ một sự đo lường hợp lý cho việc trưởng thành đó là chúng ta không còn tự do. Một người hiểu chuyện, hoặc biết suy nghĩ, có thể đơn giản chỉ là một người đã mất đi tự do, họ không thể mặc nhiên làm điều mình muốn, nói điều mình thích, mà thay vào đó phải suy xét xem hành động hay lời nói đó có phù hợp hay không, có ảnh hưởng người khác hay không, có làm mất đi hình ảnh mà mình cất công tạo dựng hay không. Thật lý tưởng nếu chúng ta không nghĩ và từ đó không nói, nhưng nếu chúng ta chỉ không nói, mà vẫn nghĩ, thì maybe là chúng ta cũng không tự do lắm.