The good die young (điều mày không biết 4)

Tin vào Chúa hay không tin vào Chúa thật ra không có nhiều ý nghĩa, nếu chúng ta có cùng một kiểu tin là Chúa không can thiệp vào cách con người đang sống với nhau. Thay vì nghĩ quá nhiều vào những thứ không ảnh hưởng đến mình, tôi dành thời gian cho việc cố gắng hiểu về một vài thứ khác gần gũi hơn. Hẳn nhiên là không vui vẻ gì khi sống trong một thế giới mà chúng ta chẳng hiểu gì về nó, mọi chuyện xảy ra chỉ biết đổ tại ý trời.


Tôi lúc nào cũng muốn mình trở thành một người tốt, và vì thế như một lẽ tự nhiên, tôi rất ghét cái xấu. Tôi thường không giữ được vẻ mặt trung dung khi thấy cái xấu, hoặc thấy sự dung túng cái xấu. Gần đây tôi nhận ra một điều rằng, làm người tốt không chắc sẽ có cuộc sống tốt, và ngược lại làm người xấu không chắc sẽ có cuộc sống tệ. Thật kỳ lạ quá, vì sao lại như thế nhỉ?

Đã có ai trong chúng ta từng thử giải thích cho một đứa trẻ rằng thế nào là tốt và thế nào là xấu? Tôi dạy con tôi rằng nói chuyện với bố mẹ thì phải dạ vâng, có đồ chơi thì cho bạn chơi cùng, có đồ ăn thì cho bạn ăn cùng. Nếu như vậy là tốt, thì tại sao những việc ấy lại được coi là tốt, và tốt cho ai? Có thực sự chúng ta nên sống tốt hay không?

Hóa ra đúng là mọi chuyện trên đời xem chừng đều đơn giản, nhưng people thích make it complicated. Tốt và xấu chỉ là những khái niệm do con người chúng ta tự đưa ra, và rõ ràng giữa làm người tốt và có cuộc sống tốt không hề có sự ràng buộc 1-1. Làm người tốt giữa những người xấu, hay làm người xấu giữa những người tốt đều tệ như nhau, chúng ta đều sẽ thấy khổ. Tôi từng buồn nhiều vì cái chuyện tại sao mình sống tốt mà người ta lại không ưa mình, nhưng có lẽ bây giờ tôi không còn buồn nữa. Hmm, thật ra vẫn buồn nhưng lý do để tôi buồn thì đã khác.


Tôi đoán là ngày xa xưa, loài người sống theo bản năng, cho đến một ngày có một bác nông dân đánh rơi vài chục triệu. Bác ấy buồn ơi là buồn, về bảo với vợ là bà ơi, tôi đánh rơi tiền đóng học cho con rồi, cả tiền ăn tháng này cũng rơi rồi, nhà mình chết đói mất thôi hu hu.

Bác nông dân suy diễn ra tương lai như thế là điều dễ hiểu vì theo bản năng, hễ nhặt được của rơi chúng ta sẽ coi là lộc trên trời rơi xuống, ai làm rơi người đó phải chịu, trước giờ vẫn vậy thôi.

Nhưng kỳ lạ là lần này người nhặt được, một thiếu niên khôi ngô tuấn tú, lại đem đến tận nhà trả cho bác. Không thiếu đồng nào, chứng minh thư bằng lái xe thẻ visa đủ cả. Bác nông dân cảm động nắm tay chàng thiếu niên, đôi mắt rưng rưng, cháu thật là người tốt, nếu ai cũng tốt như cháu thì cuộc sống này tươi đẹp biết bao…

Chúng ta rút ra điều gì từ câu chuyện trên?

Tốt xấu hóa ra không nằm ở bản thân việc ta làm, mà nằm ở đối tượng được hưởng lợi từ việc ấy. Bác nông dân thấy cậu thiếu niên tốt, vì việc cậu ấy làm mang lại lợi ích cho bác ấy. Bác ấy thấy cậu ấy tốt nhưng chưa chắc sau này nhặt được tiền bác ấy đã làm giống như vậy, vì khi đó bác ấy không còn là người có lợi ích nữa. Thật không có gì để thắc mắc khi ai chống tiêu cực cũng bị ghét. Việc họ làm là tốt cho nhiều người, nhưng đồng thời cũng không tốt đối với nhiều người.


Nếu ta chủ ý làm một việc nhằm mang lại lợi ích cho người khác, thì với những ai công nhận lợi ích ấy, việc ta làm là tốt.

Và ngược lại.

1 Response

  1. […] thế nào nếu một ngày con tôi hỏi tôi rằng, bố, bố nói rằng làm người tốt là mang lại lợi ích cho người khác, vậy thì tại sao chúng ta phải làm người […]

Comments are much better than likes...