Trở về chốn cũ (điều mày không biết 3)

Ngày còn học cấp 2, có một buổi chiều tôi chợt nghĩ về ngày mẹ tôi mất, cảm thấy buồn không chịu được. Cứ nằm vậy mà khóc. Chúng ta ai cũng phải chết đi, nhưng chấp nhận nó lại là một điều không hề dễ chút nào.


Con người sẽ ra sao sau khi chết? Có hai tư tưởng chính về chuyện này, một là chúng ta sẽ đầu thai vào một kiếp khác, và hai là sau đó không có sau đó nữa, tất cả kết thúc. Tôi nhớ lúc còn ở Bách Khoa, trong một buổi Triết học cô giáo có nói rằng chuyện kiếp trước kiếp sau thật là buồn cười. Nếu kiếp này ở hiền mà không gặp lành thì đổ cho quả báo kiếp trước, còn kiếp này gieo gió mà không gặt bão thì cũng đổ cho kiếp trước tích thiện. Cứ như vậy thì cái gì cũng giải thích được, vì không ai biết kiếp trước như thế nào.

Tư tưởng đầu thai cũng cho rằng, phụ thuộc vào cách sống của chúng ta ở kiếp này mà kiếp sau nếu may mắn chúng ta sẽ tiếp tục được làm người, còn không may mắn sẽ phải làm súc vật. Chúng ta hẳn sẽ có nhiều điểm thắc mắc về tư tưởng này, ví dụ như làm sao để biết một người có sống tốt hay không, ai có quyền phán xét chuyện đó? Và điều quan trọng khác, vì sao lại chắc rằng làm người sẽ vui hơn làm súc vật? “Ta không phải là cá, sao biết cá không vui?

Trong cuốn “Không diệt không sinh đừng sợ hãi”, tác giả Thích Nhất Hạnh viết về một hướng suy nghĩ mà tôi cho rằng rất đẹp, dù vẫn còn cái gì đó chưa trọn vẹn. Theo cách nghĩ này (có lẽ cũng là cách nghĩ chung của Phật giáo), trong cuộc sống này không có diệt cũng không có sinh, không có “có” và cũng không có “không”. Không có gì sinh ra từ “không”, cũng không có gì mất đi từ “có”, tất cả đều là sự chuyển tiếp. Nước hóa thành mây, mây hóa thành mưa, mưa hóa vào đất, vào cây cỏ. Chúng ta sinh ra từ bố mẹ còn bố mẹ thì sinh ra từ ông bà, không có gì tự nhiên xuất hiện. Khi chúng ta uống một chén trà, nếu biết cách nhìn sâu, chúng ta thấy đám mây, thấy cơn mưa trong đó. Quả thật là sự sống diễn ra như vậy.

Vậy con người chết rồi sẽ về đâu? Theo cách nghĩ trên, chúng ta không bao giờ mất đi, mà chỉ thay đổi từ hình thức này sang hình thức khác, một sự thay đổi vẫn luôn diễn ra từng phút từng giây. Tác giả ví dụ về việc nhìn một bức ảnh của chúng ta vài năm trước, với nét mặt đã thay đổi, chiều cao cân nặng đã thay đổi, đó vẫn là ta hay là một người khác? Những người gặp phải một biến cố khiến bản thân không còn lành lặn, tinh thần của họ theo đó cũng thay đổi, suy nghĩ, tính cách của họ theo đó cũng thay đổi, vậy thì một người đã thay đổi cả thể xác và tâm trí, họ vẫn là họ hay đã thành một ai khác?


Tôi xem một clip trên Youtube, về một người mẹ có đứa con đã chết trước đó không lâu. Bà muốn biết con mình giờ đang ở đâu, có đói, có lạnh không. Câu trả lời bà nhận được không phải câu trả lời mà bà mong đợi. Chỉ cần bà không bị vướng mắc vào hình thức cũ của người con, bà có thể nhìn thấy con mình nơi những cái cây mà nó từng chăm, nơi những con đường mà nó từng bước, nơi những người bạn mà nó từng chơi. Sự luân hồi có lẽ nên được hiểu một cách đơn giản như vậy. Nhưng cái đau thương khi mất người mình yêu cũng như một vài bất toại nguyện trong cuộc sống khiến chúng ta không muốn chấp nhận lời giải thích này.

Chúng ta luôn có thể tự dối mình để khiến bản thân được an ủi, giống như mơ một giấc mơ không bao giờ tỉnh dậy. Chỉ là trong giấc mơ ấy.

Tiếc rằng mọi thứ đều không thật.

Comments are much better than likes...