Một khi không còn yêu
Sau một thời gian dài cố gắng theo đuổi, cuối cùng tôi cũng xem xong bộ phim Sống chung với mẹ chồng. Tìm mãi mới có thời gian để viết một chút
Đầu tiên phải khen ngợi ngay, rằng đây là một bộ phim khá đặc biệt. Tôi không tìm thấy vai chính tốt đẹp nào trong phim này, hầu hết đều là phản diện. Thật khó có một bộ phim với tính chất tương tự mà lại thu hút số đông người xem. Phản diện ở đây không hẳn là làm việc xấu theo quan điểm của xã hội, mà ý tôi là tôi xem phim này mà chẳng thấy thích nhân vật nào. Một cô con dâu khó tính ở với một bà mẹ chồng khó tính, nội dung bộ phim chỉ có thế.
Khi bộ phim này còn hot thì tôi bận làm việc khác, chỉ tranh thủ xem được 1, 2 tập cuối, nên tôi cứ nghĩ Vân là một cô con dâu ngoan hiền nhưng số đen gặp phải bà mẹ chồng ác độc, cuối cùng kết thúc có hậu là cô ấy thì gặp được người chồng khác tử tế, còn bà mẹ chồng kia thì phải trả giá. Một bộ phim nhân văn cao cả, tình người được tôn vinh. Hóa ra tất cả đều là giả dối.
Cũng phải giải thích thêm, để tránh nhiều người nói rằng tôi quá nhảm nhí khi mất thời gian xem bộ phim này. Chúng ta đều có những cách khác nhau để make a better world. Có người lo làm những việc vĩ đại, phát minh phát kiến này kia, có người thì chọn một vài công việc thầm lặng, đóng góp chút một, chút một. Tôi không phát kiến và cũng không thầm lặng, nhưng tôi có hứng thú với những thứ người khác coi là vô bổ. Kiểu như nếu có ai nói “trong lúc nợ công VN đang blah blah, trong lúc tham nhũng đang blah blah, trong lúc nhân quyền đang blah blah, thì lũ óc chó lại đi quan tâm đến bella, đến hậu duệ mặt trời blah blah”, tôi sẽ không trốn tránh mà thừa nhận rằng, tôi chính là một trong những đứa óc chó ấy. Cũng một phần may mắn vì tôi đã quen bị xúc phạm, nên không còn thấy nặng nề nữa. Chúng ta đều cần có một lý tưởng cụ thể nếu muốn kiên định được với con đường đang đi. Không thể cứ ở bên ngoài mà phán xét một việc bên trong, không thể cứ ở trên cao mà bình luận về một việc ở bên dưới. Tại sao người ta lại thế này, tại sao người ta lại thế khác. Chúng ta nghĩ rằng mình hiểu, nhưng thực ra lại chẳng hiểu gì.
“Anh cố nép mình vào những mệt mỏi, để tìm lại anh thôi
Dưới mưa anh đã nhìn thấu tim em, sớm muộn sẽ thay đổi…”
Trở lại bộ phim. Cũng vì tôi không theo dõi khi nó còn hot, tôi không biết phản ứng của mọi người với bộ phim ra sao. Tôi chỉ hy vọng không ai tôn vinh cô con dâu.
Tôi không thấy cô ấy có gì tốt đẹp, cô ấy không khác gì bà mẹ chồng. Cái khác biệt lớn nhất là ở vấn đề tuổi tác, hay nói cách khác, là khác biệt về thế hệ. Những người có quan điểm như mẹ chồng cô ấy tôi nghĩ là không hiếm. Rất có thể 10 năm nữa con người lại thấy rằng yêu nhau mà không xếp hình là ngớ ngẩn, đêm tân hôn mà vẫn còn trinh là ngu si, hoặc làm mẹ đơn thân cũng chỉ là một việc rất bình thường. Khác biệt về quan điểm giữa hai thế hệ, nếu cần giải quyết thì tôi nghĩ trách nhiệm nằm nhiều hơn vào thế hệ sau. Vì đơn giản là họ văn minh hơn. Họ có thể hiểu được tại sao người thế hệ trước lại như thế, và họ có thể thông cảm với điều đó. Cảm thông là yếu tố quan trọng. Một thái độ thù địch không bao giờ dẫn đến những nỗ lực để cùng giải quyết vấn đề. Ví dụ người dân ngày nay và chính quyền, một phần không nhỏ là thái độ thù địch. Họ ghét chính quyền, luôn nhìn thấy những cái sai của chính quyền (có thể sai thật, có thể không). Họ không cảm thông và không thấy có lý do gì để cảm thông, từ đó dẫn đến việc không có chuyện họ chấp nhận một sự thiệt thòi nào đó để đổi lấy một lợi ích xa xôi trong tương lai. Họ không tin vào tương lai. Nhưng thôi đó là một câu chuyện rất dài, tôi chỉ đưa ra ví dụ về sự cảm thông (đổi ngược lại là chính quyền không cảm thông cho dân cũng được). Để tránh gạch đá thì tôi bổ sung thêm chút, là tôi không nói dân sai hay chính quyền sai, đó là một vấn đề mà hai bên đều có lý do để giải thích và không có cái đúng tuyệt đối nào cho một trong hai bên.
Lái hơi xa rồi. Tôi xin hứa lần bẻ cua quay đầu này là thật, tôi không đi khỏi phạm vi bộ phim nữa.
Dù có đứng về phía cô con dâu hay không, tôi tin là nếu ai đã xem phim thì cũng đều công nhận là cô ấy không ưa bà mẹ chồng. Mỗi khi có hai người không ưa nhau thì người ở giữa, người mà muốn yêu quý cả hai bên, luôn là người khổ nhất, và đen là trường hợp này thì anh chồng đã bị chửi là nhu nhược. Có lẽ vì thế mà trong một bài phỏng vấn ngoài luồng anh ấy có chia sẻ là muốn theo kinh doanh chứ không thiết tha nghiệp diễn nữa. Khổ thân anh, đời người đúng là chả biết đâu mà lần.
Lại nói về cô con dâu, từ giờ gọi là Vân đi cho ngắn, tất nhiên nói cô này thôi chứ bà mẹ chồng khó tính ai cũng biết rồi (mặc dù có lý do để giải thích). Cô này không bao giờ thấy cô ấy sai. Lỗi lầm luôn là tại bà mẹ chồng độc ác. Tập 20 cô ấy viết nhật ký thế này: “Một cô gái xinh xắn, được ăn học tử tế, sống có văn hóa, ai ai cũng yêu mến, bạn bè đồng nghiệp không ai là không khen ngợi. Vậy mà trong con mắt của bà, trong những lời thốt ra từ miệng của bà, cô ấy lại trở thành người chẳng đáng một đồng xu. Hận! Vô cùng hận! Tôi ghét bà! Tôi thất vọng về cuộc sống này! Hoàn toàn thất vọng!”. Những dòng nhật ký thật là khiến tôi cạn lời
Về lòng tham, cô ấy tham không kém bà mẹ chồng. Cùng là vì tham lãi cao, cùng là gửi tiết kiệm cho một nhân vật không đáng tin, nhưng phim thì tạo tình huống để Vân rút tiền sớm, còn bà mẹ chồng thì không có lý do để rút, nên cuối cùng mất sạch tiền. Cuộc sống thật bất công. Nhưng cô Vân này còn tham một cái vô lý hơn, đó là tình tiết ở tập 22 khi cô ấy biết được gia đình nhà chồng vừa mua một cái chung cư để cho thuê giá 15 triệu mỗi tháng, cô ấy gần như phát dồ lên bởi vì họ lại cho thuê thay vì cho cô ấy ở Và cô ấy quyết định đòi lại số tiền đã cho bà mẹ chồng vay. Vâng, hai chuyện chẳng liên quan gì nhau. Cô ấy cho bà mẹ chồng vay để lấy lãi khủng, chứ không phải là làm từ thiện. Nếu bố mẹ tôi có một cái chung cư cho thuê giá 15 triệu, tôi sẽ hoàn toàn không mảy may suy nghĩ gì mà vẫn chọn cách đi ở một căn nhà rẻ hơn, khoảng vài ba triệu. Chuyện cho thuê kia thuần túy là kinh doanh kiếm sống, vì lý do gì mà tôi lại đòi được ở một căn nhà lên đến 15 triệu để rồi nhà tôi mất đi một khoản thu nhập ổn định hàng tháng? Đến khi biết được tiền mua chung cư có cả tiền của cô ấy, thì cô ấy phát dồ thật sự, gào thét vào mặt anh chồng rằng cả nhà anh là đồ lừa đảo, mặc dù tôi không hiểu lắm ý cô ấy là lừa đảo chuyện gì, vì phim không nói rõ. Nhưng nếu là chuyện bà mẹ chồng lấy tiền của cô ấy để đi mua chung cư, tôi nghĩ là bình thường thôi. Cô ấy cho người ta vay tiền để lấy lãi, thì người ta hiển nhiên phải đầu tư tiền đó vào một công việc sinh lời, có ai lừa ai đâu.
Ngoài ra, có một tình huống ở gần cuối bộ phim (tập 27, 28), khi cô Vân nằng nặc đòi ly hôn, và vô cùng khó chịu khi anh chồng chưa chịu đồng ý. Anh ta không đồng ý vì anh ta còn yêu cô, một thứ tình yêu đầy đau khổ. Than ôi, cả bộ phim chỉ thấy cô này hết yêu anh chồng, chứ anh này thì cứ mãi như vậy. Uyên Trang ơi, chị có thể hát lại câu này được không?
“Thế gian mau đổi thay, tình cũng mau đổi thay, có yêu nhiều thật nhiều, tình cũng xa rời ta…”
Vẫn chuyện ly hôn. Cô ấy kiên quyết ly hôn bằng được, cực kỳ khó chịu vì không đạt được mục đích. Nhưng sau đó cô ấy phát hiện đã có thai, liền đổi ý xuống giọng ngọt ngào không muốn ly hôn nữa (“lòng mẹ bao la như biển Thái Bình, dạt dào, dạt dào…”). Bi kịch ở chỗ, lúc này thì anh chồng lại đồng ý ly hôn (anh ta không biết vợ mình có thai). Đau lòng quá đi, và thế là bạn của cô Vân nhà ta chửi anh kia là “khốn nạn”. Không đồng ý ly hôn cũng bị chửi, mà đồng ý ly hôn cũng bị chửi, làm người sao khó quá. Xong xuôi đâu đó, tập 33, cô bạn này tiếp tục đưa ra một luận điểm kinh động trời đất để dìm hàng anh chồng như sau: “Thế cái lúc mà mày bị tai nạn ở ngoài đường, rồi mày bị cấp cứu ở trong bệnh viện, thì ông ấy ở đâu? Ông ấy có thấy tội nghiệp mày không?”. Ai xem phim đều rõ, sự việc xảy ra sau khi hai người đã đường ai nấy đi, không ai báo cho anh chồng biết thì làm sao anh ấy biết được là vợ cũ của mình bị tai nạn? Anh Thanh! Đàn bà, đây chính là đàn bà! Anh đừng bi lụy vì họ nữa. Dù cả thế giới này có chống lại anh thì vẫn có em ở đây. Những gì đã xảy ra chỉ là một bộ phim thôi, xã hội này vẫn còn nhiều điều tốt đẹp để anh sống tiếp. Tất cả đã qua rồi, bộ phim đã kết thúc, ngày tháng đau khổ đó cũng không còn nữa. Quên hết đi anh!
Kể ra mãi thì dài lắm, nhưng nói tóm lại, tôi khẳng định một lần nữa là theo quan điểm cá nhân của tôi, đây là một bộ phim của toàn những vai phản diện. Chỉ có điều kết thúc phim lại cố tình khiến cho chúng ta cảm thấy chị Vân đã phải chịu nhiều bất hạnh nên cuối cùng được nhận hạnh phúc. Đây là mô tuýp nhân quả điển hình của câu chuyện Tấm Cám. À mà tiện đường, tôi cũng có câu hỏi đến đoàn làm phim Người Phán Xử: Với những gì Phan Hải đã làm, với những bằng chứng mà chú Lương Bổng đã đưa cho Bảo Ngậu ở tập cuối, tại sao anh ta lại có thể ra tù sớm như thế? Tại sao anh ta có thể dễ dàng thay tên đổi họ để đến đây chim chuột chị Vân?
Còn cô Phương, cô nghe cháu. Cô và chị Vân có xấu xa thì cũng xấu xa như nhau, nên nếu chị Vân có thể vớ được soái ca đẹp trai giàu có thì cô cũng có quyền để có được một nàng dâu ngoan hiền nết na. Những gì xảy ra trong phim là không công bằng với cô, nhưng kịch bản phim như thế rồi mình không thay đổi được. Cháu chỉ muốn nói là số cô đen, gặp phải đứa con dâu xung khắc về tính cách, chứ cô mà gặp đứa tử tế (như cách chị Vân của chúng cháu gặp được bà mẹ của Phan Hải ở cuối phim) thì mọi chuyện đều tốt đẹp cả. Mong cô hạnh phúc và bình an.
Tôi biết mình còn một bài về kỹ thuật cần viết trong năm nay, tôi sẽ cố gắng thực hiện, các bạn đừng nhắc mãi thế. Tính tôi đã hay buồn rồi.
Phim từ 2017 đến 2020 mới đọc được bài này, mới lại gặp người cùng quan điểm.