Mưa muốn khóc hãy khóc đi

Vậy là tôi đã thi xong bằng lái xe, thật thoải mái. Từ lúc ra trường đã gần 10 năm, cuối cùng cũng được sống lại cảm giác phải ôn thi. Khó thì không khó nhưng lại không chắc chắn mình sẽ làm được bài, nhất là phần thi mô phỏng, đúng là trò con bò thật sự.

Tôi vẫn thường thắc mắc sao giờ này mà nhiều người tôi quen vẫn học B2 thay vì B1, để cho lúc học cũng khổ mà lúc thi cũng khổ. Nhưng thắc mắc ấy vẫn còn vô cùng nhẹ nhàng, nếu có một lúc nào đó chúng ta dừng lại, nhìn vào những gì xảy ra xung quanh mình và thắc mắc rằng tại sao những điều đó lại xảy ra. Đáng lẽ phải là chúng ta có một lý do thuyết phục nào đó, khiến cho chúng ta quyết định làm một việc nào đó, thì ngày nay, chúng ta lại làm một việc chỉ vì những người khác cũng làm như vậy, và sau khi đã quyết định làm, chúng ta mới cố gắng tìm lý do để hợp thức hóa cho hành động của mình.

Tại sao một đứa trẻ lại phải có tên gọi ở nhà, bên cạnh tên thật của nó? Tại sao phải chấm son lên trên trán? Tại sao phải “trộm vía”?

Cho đến một ngày tôi lang thang trên Tiktok, thấy một phụ huynh tâm sự rằng vừa lỡ gọi tên thật của con, đã rất sợ hãi, và phải làm vài nghi thức tâm linh để giải nghiệp. Nhưng, điều khiến tôi vô cùng ngạc nhiên lại là khi đọc phần bình luận, không thể tin được, hầu hết mọi người đều ủng hộ. Hóa ra gọi tên thật của một đứa trẻ lại là điều kiêng kị.

Tôi đã lạc lõng đến thế sao?

Ngày xưa khi tôi bị bắt nạt, không-có-một-ai nói rằng mấy thằng đánh tôi là hèn. Chúng ta nói, và chỉ nói những người đàn ông là hèn khi họ đánh phụ nữ. Khi không nhìn sâu vào bản chất, chúng ta không bao giờ nhận ra được rằng vấn đề vốn không hề nằm ở giới tính.

Vấn đề nằm ở chỗ, chúng ta chưa từng hiểu chính mình.

Comments are much better than likes...