Từng yêu

Tôi là một người rất thích làm từ thiện, dù rằng bây giờ hai chữ “từ thiện” khiến tôi thấy có gì đó bolero và màu mè, nhắc đến còn ngại. Ngày bé tôi cứ ước sau này có thật nhiều tiền để cho người khác, nhưng lớn lên thì biết tiền không thể cứ ước mà có được, và có rồi thì cũng lại không biết bao nhiêu mới là nhiều.

Hồi tôi học đại học, một hôm có nhóm người dắt nhau vào giảng đường bán bút. Có vẻ là thầy cô đã cho phép nên tiết học được tạm dừng để họ đi khắp lớp. Họ nói là mua bút ủng hộ hội người khuyết tật hay gì gì đó, 10 nghìn một cái. Tôi nhìn thấy đó là một cái bút Trung Quốc, nên nói với đứa bạn ngồi cạnh là tôi không hiểu vì sao chuyện này lại xảy ra, tôi không hiểu vì sao họ lại mua một cái bút ở chỗ khác để đến đây bán đắt gấp vài lần, vì sao họ không xin tiền luôn?

Cô bán bút nghe được mấy câu đó, cô ấy xua xua tay “Ấy ấy đừng nói thế cháu ơi, phải tội đấy”.


Tôi không phải là fan của những quán cơm 2.000. Lúc tôi đọc báo, thấy những người chủ quán họ trả lời rằng họ bán với giá 2.000 chứ không cho không, là để cho người ăn cảm thấy mình thực sự mua bữa ăn chứ không xin của bố thí, từ đó không thấy mặc cảm. Một lần nữa tôi không hiểu, vì tôi tự tưởng tượng nếu có ai đó bán cho tôi một thứ trị giá 10.000 với giá 1.000, chẳng lẽ tôi không nhận ra họ đang cho tôi hay sao? Chẳng lẽ chủ quán cơm 2.000 cho rằng những người “nghèo” kia sẽ không nhìn ra điều đó?

Dạo dịch bệnh này, bắt đầu xuất hiện những nơi phát gạo tự động. Tôi xem trên Tiktok (tuổi trẻ mà) có những clip quay lại một vài người đi xe ga đến nhận gạo, có ý chế giễu. Nói cho cùng, vì không có mấy ai cảm thấy mình đã đủ (dù cho có bao nhiêu tiền), nên nếu được cho miễn phí thì không lý do gì họ không nhận. Với một vấn đề cảm tính như giàu và nghèo, tôi không chắc những người phát gạo đã định nghĩa thế nào về đối tượng mà họ hướng đến.

Từ thiện là một việc khó. Kiếm tiền để làm đã khó rồi, đến lúc làm lại gặp những người như tôi suốt ngày ý kiến lại càng khó hơn. Nhưng càng ngày tôi càng cảm thấy giữa việc kiếm tiền và việc làm từ thiện, cả hai đều khó như nhau. Từ thiện sai cách có thể phản tác dụng mặc dù chúng ta vẫn sẽ an yên với sự biện minh rằng mình làm với cái tâm tốt là đủ. Cùng là cho đi số tiền 100 triệu, nhưng nếu chia cho 100 người và chẳng đủ để thay đổi bất cứ một điều gì cả, với việc chỉ gửi tới 1 người duy nhất, liệu lựa chọn nào mới là đúng?

Ai đã từng theo đến cùng một trường hợp nào đó mình làm từ thiện để xem cái cuối cùng đạt được là gì?


Phần trên là tôi đang cố cho bài viết trở nên dài hơn, vì dạo gần đây tôi tự nhận ra mình viết ngắn quá, mỗi bài được có vài dòng.

Tôi đang tập tu tâm dưỡng tính, không biết có thể thành chánh quả mà sống đời cỏ cây hòa hợp với đất trời hay không nhưng mong là mỗi ngày sẽ tốt dần lên. Thật ra, tôi thấy mình đang sa vào lối sống của mấy vị quan hay kẻ sĩ ngày xưa, vì chán ghét thế sự mà lui về ở ẩn hoặc rúc vào một xó nào đó như con rùa rụt cổ. Tâm hồn mờ nhạt mà nhân gian thì lại chê cười.

Mà thôi đã có gan rút lui thì ngại gì chuyện rùa thỏ -_-

Nhưng đúng là vạn sự ở đời làm gì cứ đơn giản nếu không hợp thì chia tay như thế. Tôi không sống một mình để có thể làm bất cứ điều gì mình thích rồi không màng đến hậu quả. Đến lúc lớn tôi mới hiểu chuyện bố mẹ thương con nó như chuyện một tuần bằng bảy ngày vậy, rất hiển nhiên. Không có gì cao cả, đơn thuần là tự nhiên nó thế. Không ngạc nhiên khi nhiều người tôi biết, bố mẹ tằn tiện ăn uống kham khổ nhưng mua cho con thì không tiếc gì, toàn sơn hào hải vị.

Mà mình thì đòi sống gần cỏ cây, trồng dâu nuôi tằm chứ con mình sao nỡ để nó chịu cảnh ấy. Nó chưa biết gì, có thể nó cũng thuận theo mình mà thấy vui vẻ, nhưng sau này có chắc sẽ mãi như thế. Vả lại nếu đứa nào cũng đòi sống thuận hòa núi sông không màng ganh đua thì đất nước biết đi về đâu?

Không nói đâu xa, cứ như tôi là hỏng.

3 Responses

  1. Chiến Vũ says:

    -__-

    • Chiến Vũ says:

      Cho em share bài này anh nhé ..

      • yeuchimse says:

        Đã ở trên internet thì em làm gì cũng được mà :shame:

Comments are much better than likes...