Gọi kỷ niệm 2
Nếu tính rằng cuộc đời mỗi người kéo dài 70 năm, thì trong đó có khoảng 20 năm đi học, rồi 40 năm đi làm, những năm còn lại thì hoặc còn bé chẳng nhớ gì, hoặc đã già chỉ suốt ngày ngồi nhớ lại chuyện của quá khứ.
40 năm đi làm là một khoảng thời gian rất dài.
Học không tệ và cũng yêu ngành mình học, nhưng tôi bắt đầu đi thực tập rất muộn. Giờ nghĩ lại vẫn không hiểu kiểu gì.
Hôm phỏng vấn, vì trình độ của tôi hơi quá tầm nên không có gì khó khăn cả. Anh trưởng phòng nói là công ty sẽ có hỗ trợ vài chục nghìn một ngày, tôi vui ơi là vui. Tôi khoe với vợ và nghĩ về viễn cảnh hai đứa có những buổi hẹn hò nhiều đồ ăn thức uống, vì trước đó tôi chẳng có gì. Một cốc trà sữa 50 nghìn như trẻ con bây giờ là điều không tưởng.
Những năm học đại học, tôi không ở trọ mà đi đi về về bằng xe buýt. Mỗi sáng tôi sẽ dậy lúc 4h30, đánh răng rửa mặt ăn sáng rồi 5h10 thì ra chờ xe. Nếu bắt được chuyến đầu tiên thì đến lớp hơi sớm, còn chuyến thứ hai thì có thể hơi muộn, và cũng hay bị bỏ bến những lúc xe đông. Mất thời gian nhưng tôi có những đứa bạn cùng quê cũng đi về như thế nên không thấy có gì đặc biệt.
Vì không ở trọ, tôi cũng không cần đến tiền. Mẹ tôi thường đưa tôi hơn 100 nghìn, những hôm học cả ngày tôi ăn cơm ở căng tin hết khoảng 12 hay 15 nghìn gì đó, rồi theo thời giá tăng lên 20 hoặc 25 nghìn, ăn đến khi hết tiền thì mẹ tôi lại cho tôi hơn 100 nghìn nữa. Tầm một tuần tôi xin tiền mẹ một lần. Thật ra nói không cần đến tiền cũng không đúng, vì thi thoảng tôi vẫn cùng đám bạn đi uống nước, chỉ có điều chủ yếu vẫn là tôi sẽ cố cân đối số tiền mình có, chẳng hạn nhiều hôm trời nắng (tôi rất ghét) thì tôi chán đến độ chẳng buồn ra ngoài ăn, thành ra tiết kiệm được một bữa.
Nói như vậy để thấy vài chục nghìn mỗi ngày đối với tôi là một số tiền rất lớn. Một thứ kiểu như life-changing thing.
Nhưng đáng tiếc những gì tốt đẹp thì thường lại hay có vấn đề. Sự thật là tôi không nhận được số tiền hỗ trợ ấy, mà thay vào đó chỉ thi thoảng mới được một chút. Giờ tôi cũng không còn nhớ là bao nhiêu.
Thực tập như vậy một thời gian thì tôi được nhận làm part time, lương N triệu, khá ổn. Có tiền rồi thì tôi bắt đầu đi ở trọ, mỗi tháng dư được một ít. Sau đó tôi lên full time, anh trưởng phòng bảo là lương em đang N triệu làm một buổi, giờ làm 2 buổi thì (N x 2) triệu nhé. Tôi hơi hụt hẫng nhưng cũng vâng dạ thế thôi chứ chẳng ý kiến gì. Trong đầu tôi đã nghĩ là nếu làm part time kiểu học việc được N triệu thì lên full time chính thức như những nhân viên khác nó phải cao lên hẳn, chứ đơn giản là nhân hai lên thì nói làm gì. Cơ mà tôi chỉ nghĩ trong đầu thế, chưa bao giờ nói ra.
Có một chuyện tôi rất rất không thích khi đi làm, đó là đàm phán lương. Một cuộc kỳ kèo mà tôi chỉ ước có người khác làm thay mình, giống như mấy cầu thủ nổi tiếng. Tôi từng cho rằng quan trọng là mình làm được gì cho công ty, còn lại thì đây có phải sân khấu hay phim ảnh đâu mà ai khéo miệng hơn thì được lời. Hóa ra không phải. Ví dụ người ta thấy bạn xứng đáng mức lương X triệu, nhưng người ta nói sẽ trả bạn (X – a) triệu, rồi bạn tuổi trẻ chưa trải sự đời chỉ biết rụt rè gật đầu, thì lương bạn là (X – a) triệu thế thôi. Nó hợp lý trên phương diện mua bán, nhưng không hợp lý đối với tôi. Tôi thậm chí thấy nó rất ngớ ngẩn.
Đang là một nhân viên mẫn cán cần cù bù siêng năng, tôi tình cờ phát hiện có một đồng nghiệp trình độ ngang tôi, mà lương thì gấp tận hai lần. Tôi chán luôn, không còn động lực gì nữa. Tôi nghĩ mãi nghĩ mãi, cuối cùng quyết định gạt bớt cái cố chấp của bản thân để đề nghị tăng lương. Tôi nói là với khả năng của mình, cùng những thành tích tôi đã đạt được, tôi xứng đáng mức lương cao hơn hiện tại.
Lại nói về thành tích. Có một sai lầm mà tôi rất hay nghĩ về, đó là việc tôi có thể được bằng giỏi của Bách Khoa nhưng lại vì ngu mà _từ chối_. Hồi ấy, tôi học đại học kiểu cảm tính như bao sinh viên bất cần đời khác, môn nào thích thì học còn không thích thì điểm thấp cũng kệ, qua là được. Đến lúc tổng kết tôi được 3.18, thiếu 0.02 là bằng giỏi. Tôi chỉ cần học cải thiện một môn D bất kỳ thôi là được, tôi nghĩ cực kỳ dễ, nhưng lại không làm. Tôi kiên định rằng nó chẳng giúp gì cho sự nghiệp của tôi sau này cả. Dần dần tôi mới thấy mình ngu. Hiếu thắng và sĩ diện không bao giờ mang lại một tương lai tốt đẹp. Không bao giờ. Vợ tôi thi thoảng vẫn nhắc lại chuyện tôi còn định không lên trường lấy bằng, vì tôi bảo là lúc ấy tôi đi làm rồi, bằng cấp làm gì nữa, lên lấy lại mất một hôm nghỉ làm.
Người ta nói rằng bằng đại học không quan trọng đâu, quan trọng là làm được việc, thời nào rồi mà còn đánh giá dựa trên bằng đại học nữa. Nhưng hãy tin tôi, người ta sẽ nhìn bạn bằng con mắt khác khi biết bạn được bằng giỏi Bách Khoa Hà Nội thay vì bằng khá đầy nhan nhản, con mắt rất khác. Con mắt này mang lại nhiều thứ một cách gián tiếp mà có thể bạn chẳng cả nhận ra. Và cái bằng này sẽ theo bạn đến hết đời.
Quay về chuyện đòi tăng lương. Họ bảo là ừ, sẽ xem xét. Sau đó không lâu thì có kết quả, tôi được lên thành hơn (N x 2 + b) triệu. Mức tăng không thấp nếu tính theo phần trăm, nhưng không đủ để xóa bỏ sân si trong lòng tôi. Tôi quyết định nghỉ việc.
Anh trưởng phòng khá ngạc nhiên khi nhận ra là tôi đang muốn xin nghỉ hẳn chứ không phải là nghỉ phép. Có lẽ người sếp nào cũng ngạc nhiên như vậy mỗi khi nhân viên của mình xin nghỉ, vì dù có rất nhiều tính toán, chắc hẳn họ đều mơ về những mối quan hệ đầy cảm xúc như giữa những thành viên trong trong gia đình với nhau, rằng dù lương thấp nhưng nhân viên sẽ vẫn gắn bó với mình vì tình cảm.
Sau khi tôi xin nghỉ thì đột xuất chúng tôi có một cuộc họp, và tình cờ là tôi được sếp khen vì những đóng góp của mình cho phòng. Họp xong anh trưởng phòng đến ngồi thủ thỉ với tôi là đấy em thấy đấy, các sếp đều đánh giá em rất cao, nghỉ làm gì.
Vì tôi không thể trả lời được câu hỏi tại sao đánh giá cao mà lại trả lương thấp, trong khi công ty đủ giàu để trả cho người khác cao hơn, tôi không thay đổi quyết định nghỉ việc của mình. Công ty sẽ không sụp đổ khi vắng một người như tôi, thiếu mợ chợ vẫn đông, nhưng ở chiều ngược lại, tôi cũng có rất nhiều lựa chọn khác…