Điều cuối cùng

Tôi có một máy ảnh A6300, kèm 2 ống kính mua thêm tổng khoảng gần 40 triệu. Nhưng đây không phải máy ảnh đầu tiên tôi mua, vốn rẻ hơn rất nhiều, chỉ khoảng 2 triệu, lúc công nghệ vẫn còn chưa mấy phát triển, và việc người ta đầu tư cho một cái máy ảnh vẫn còn là chuyện gì đó khá dị biệt. Hôm ấy khi anh bán hàng đang tư vấn cho tôi thì có một bác gái vào hỏi mua một cái máy ảnh tầm giá 4 triệu. Bác ấy xem xem một lúc, rồi nhìn sang cái máy tôi đang cầm, hỏi cậu nhân viên “cái này với cái kia thì cái nào hơn hả cháu”.

Cậu nhân viên bật cười “cái này đắt gấp đôi cái đấy, so sao được hả bác”.


Đó là một câu chuyện mà tôi không nghĩ mình vẫn còn nhớ, vì đã từ rất lâu rồi. Chúng ta có thật nhiều chuyện tủi thân chẳng tâm sự với ai được, chuyện này chưa quên chuyện khác đã đến. Có thể sẽ rất khó để một người không còn cảm thấy tủi thân nữa, khi mà số tiền họ có là ít hơn những người xung quanh, trừ khi họ điều chỉnh được suy nghĩ của mình. Tôi từng cho rằng nghèo thường dẫn đến hèn, vì đúng là chúng ta khó mà tự tin được khi không có tiền. Ra đường bị cảnh sát giao thông gọi vào là bắt đầu lo lắng, nếu bị phạt là mất bao nhiêu hộp sữa cho con, mất bao nhiêu ngày công đi làm, vân vân và vân vân. Cái lo lắng này làm chúng ta hèn đi, sẵn sàng gạt bỏ tự trọng để xuống giọng xin xỏ được xử phạt “linh động”, bớt được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Chúng ta không những hèn, chúng ta còn trở nên bất mãn với những người đã lấy tiền của mình, dù bản thân chúng ta thực sự đã vi phạm, và nộp tiền tại chỗ là điều chính chúng ta lựa chọn, để không phải nhận giấy phạt rồi mất một số tiền lớn hơn. Chúng ta nghèo về tiền bạc, và rồi nghèo cả về nhân cách, nhưng lại không nhận ra.


Có một lần, tôi mua một cái máy tính ở một cửa hàng khá nổi tiếng. Không phải máy chính hãng vì ở Việt Nam chính hãng chỉ có bản với cấu hình cao hơn nhiều so với những gì tôi cần. Dùng một thời gian thì chiếc máy đó bị lỗi, tôi liên hệ cửa hàng để bảo hành. Mọi việc sau đó diễn ra rất tệ, khiến tôi khó chịu. Tôi xác định không chờ đợi nữa, và tường thuật lại trải nghiệm của mình trên một trang mạng. Tôi viết là vì tôi ghét cách làm ăn của họ, chứ không có gì cao cả rằng tôi nghĩ cho người khác. Tôi biết cuộc sống không công bằng nhưng tôi luôn cố gắng để mọi thứ công bằng hơn, rằng một nơi không tử tế thì không đáng để được người ta tin rằng nó rất tử tế.

Sau đó khi sự việc được nhiều người biết đến, phía cửa hàng gọi điện cho tôi, xin lỗi là sơ suất do nhân viên mới, mong tôi xóa bài. Đây là thời điểm ranh giới có thể khiến một số người trở thành súc vật trong mắt người khác, như nhiều câu chuyện bóc phốt trên một diễn đàn công nghệ, mà sau khi chủ topic được vô số người giúp đỡ, đòi được quyền lợi của mình, thì topic cũng biến mất. Tôi hiểu sự việc hơn ai hết vì nó xảy ra với chính tôi, và tôi cũng có suy nghĩ riêng của mình. Tôi có thể đồng ý với điều kiện của cửa hàng, và đỡ phải mất một số tiền khoảng 10 triệu cho việc sửa máy. Tôi không giàu đến mức coi 10 triệu chỉ như cỏ rác, nhưng tôi tin tiền không phải là thứ có thể khiến một người đánh mất tất cả nhân cách của mình.

Tôi trả lời cửa hàng rằng tôi sẽ không xóa bài, tôi chỉ cập nhật thêm nếu cần. Họ có thể tiếp tục bảo hành cho tôi, hoặc không tùy họ, điều đó suy cho cùng cũng không thay đổi bản chất sự việc đã diễn ra.

Hmm, không liên quan lắm, nhưng chuyện thích thì xóa bài cũng là một trong những lý do khiến tôi không còn thiết tha với việc tranh luận trên Facebook nữa. Tệ thật!


Tôi mua máy ảnh vì tôi biết những gì đã qua sẽ không bao giờ quay lại được, những khoảnh khắc của ngày hôm nay rồi sẽ biến mất, dù có bỏ ra bao nhiêu tiền. Đã nhiều lúc tôi nhìn con mình nằm ngủ, nét mặt vô lo vô nghĩ. Rồi tôi nhìn lại chính mình, lúc nào cũng suy tư. Vì sao một đứa trẻ đã từng vui đến như thế, mà khi lớn lên lại buồn đến như thế? Vì sao chúng ta đã từng cảm thấy an toàn đến như thế bên cạnh bố mẹ của mình, mà khi lớn lên lại phải lo sợ, cảnh giác đến như thế với những người xung quanh?

Vì sao những gì đẹp đến như thế, lại không còn nữa?

Comments are much better than likes...