Khi đêm về 2

Tôi vừa lên công ty cũ lấy nốt mấy giấy tờ sổ sách, lúc về nhìn lại Keangnam ngày trước và bây giờ, cũng không khác nhau là mấy, gió không bớt lạnh và trời không bớt trong. Có lẽ chỉ mình tôi còn đa tình. Chợt trong đầu nghĩ ra mấy câu thơ:

Thanh chuyên đại ngõa, cố cảnh như cựu
Thảo mộc vô tình, bất giải phàm ưu

Tạm dịch là:

Tường xanh ngói đen, cảnh vẫn như xưa
Cỏ cây vô tình, không hiểu được ưu sầu phàm thế


Đùa thôi mấy câu vừa rồi tôi lấy trên mạng.

Lúc đến tôi nói với bác bảo vệ là tôi vừa nghỉ việc, hôm nay tôi lên lấy giấy tờ. Cũng chỉ là xin phép vậy thôi vì tôi không còn là nhân viên nữa, thấy không nên cứ thế mà đi vào dù cửa mở. Đến lúc ra về, tôi chào bác ấy lần nữa, thì đột nhiên bác ấy nhờ tôi xem hộ cái điện thoại. Sửa mấy cái linh tinh thôi nên tôi xem một tí là xong, nhưng đúng là tôi đã làm ở đây nhiều năm mà chưa bao giờ chúng tôi nói chuyện với nhau. Đúng ra thì có một lần trước nữa là hôm nghỉ thì tôi xin phép bác ấy cho mang túi vào xếp đồ cá nhân, vì quy định công ty không cho mang túi vào.

Tôi có khá nhiều kỷ niệm với những người làm nghề bảo vệ hoặc giữ xe, có lẽ đó không phải là những kỷ niệm đẹp. Chúng ta hay mặc nhiên đây là những tầng lớp học thức thấp và thường thì họ cư xử không mấy văn minh. Thi thoảng tôi đọc một tin tức nào đó liên quan đến chuyện xe ôm truyền thống hành hung xe ôm công nghệ, và có người bình luận rằng cứ cư xử như vậy thì đừng hỏi tại sao suốt đời chạy xe ôm. Vẫn là một luận điểm tốt, nhưng có thể triển khai thêm nhiều điều từ nó.

Thành thật mà nói thì tôi không coi thường những nghề này. Tôi coi họ như bao người khác. Học thức thấp có thể dẫn đến cư xử kém lịch thiệp, nhưng tôi biết có những người ăn học đầy đủ, cư xử có vẻ tử tế, nhưng việc họ làm và lời họ nói luôn chứa nhiều toan tính. Chơi với những người như vậy mệt hơn là chơi với một đứa bạn lao động tay chân, tôi nhận ra là thế. Chúng ta được dạy hãy sống thật khéo và thật đắc nhân tâm, khiến cho bây giờ rất khó để biết một người thực sự nghĩ gì. Họ cười khi buồn và rơi nước mắt khi vui, để rồi nếu họ có được thành công từ cách sống như vậy, thì tại sao lại phải thay đổi?

Những người làm bảo vệ, lao công, hay những việc ít dùng đến đầu óc khác, không hẳn là họ muốn như vậy. Ngày trước tôi cũng hay nghĩ theo kiểu mình đã vất vả học hành, thức đêm thức hôm, lúc người ta chơi bời lêu lổng thì mình miệt mài với đống bài tập, thì bây giờ mình ngồi văn phòng mưa không đến mặt nắng không đến đầu, hàng tháng nhận lương bằng cả năm người ta đầu tắt mặt tối hứng gió hứng bụi ngoài đường, thì có chăng cũng chỉ là công bằng cuộc sống. Khổ trước sướng sau và sướng trước khổ sau, họ hời hợt với cuộc đời thì giờ phải chịu hậu quả thôi.


Thật chế giễu khi nghĩ lại và nhận ra rằng tôi đã may mắn hơn người ta đến thế nào. Tôi đến giờ vẫn còn đủ bố mẹ, có người sinh ra đã mồ côi. Tôi khỏe mạnh, có người đã vật lộn với bệnh tật suốt cả đời mình. Tôi được cho tiền ăn học đến nơi đến chốn, có người chưa biết chữ đã phải lo chuyện kiếm tiền. Tôi rời nhà vào buổi sáng và tối được ăn cơm với vợ con, có người mãi mãi không bao giờ về nữa. Tôi đã, và có người đã không.

Bất công hơn, vào một ngày nào đó của một năm nào đó khi còn rất bé, tôi đã hiểu một bài toán chỉ trong vài phút. Người ta thì không.

Và lại một ngày nào đó của một năm nào đó khi đã lớn, họ nhìn về đằng xa, ánh đèn lấp lánh nơi những ngôi nhà cao tầng, hai vợ chồng trung niên dắt tay nhau ra ngoài ăn tối, người vợ váy áo thướt tha, đứa con đi du học đã lâu không về.

Khác biệt đến như vậy.

Có đáng đời họ hay không?

4 Responses

  1. Độc giả thứ 7 says:

    Cứ ngỡ Hà Nội rộng lắm, hóa ra chúng ta cũng từng có lúc làm cùng tòa nhà =))

    • yeuchimse says:

      Bye Keangnam hiu hiu :'(

  2. 🤞 says:

    Em khá là quan tâm tới những người như họ. Thật sự em bị ảnh hưởng bởi họ nhiều hơn, em thấy mình có thể gần gũi với họ và em cũng thường chia sẻ với họ những gì mình có thể làm được, có khi chỉ là một “lời chào”.

    • yeuchimse says:

      Good *** job em :shame:

Comments are much better than likes...