Nếu

Đợt vừa rồi tự dưng tôi bị đau răng, tôi để đau cũng khá lâu vì nghĩ là sẽ tự khỏi. Nhưng rồi tôi cảm thấy nó cứ nặng dần, nặng dần nên quyết định đi khám.

Tôi chọn khám ở Đại học Y, nhưng bên A5 họ không có khám răng, phải qua A2. Vào khám thì bạn y tá không biết tôi bị làm sao, bảo tôi đi chụp X-Quang ở bên tòa A7, khá xa. Xem phim X-Quang xong vẫn không chắc chắn lắm, họ chỉ định tôi chụp thêm 1 lần nữa, kết quả nhận về là một cái đĩa CD chứ không phải tấm phim. Thế là 2 lần đi bộ qua lại giữa A2 và A7, cũng mệt.

Họ nhận đĩa rồi xem khá lâu, sau đó gọi tôi vào. Vị bác sĩ già già bảo là chắc đau do răng số 8 thôi, vì tôi có 2 răng trên mọc lệch và 2 răng dưới mọc ngầm xiên 90 độ. Đúng là nếu không có buổi hôm nay thì tôi không biết mình có 2 cái răng mọc ngầm ấy, nó giống hệt mấy cái răng số 8 minh họa trên mạng mà tôi hay cười đểu mỗi khi nhìn thấy (các cụ bảo họa từ miệng mà ra chả sai tí nào). Về hướng điều trị, thì vị bác sĩ trầm ngâm:

  • Ca này khá khó đấy, nhổ cũng nguy hiểm, dễ gây tê môi lắm.
  • Tê môi là sao ạ?
  • Tê môi dưới ấy, có người 1 tháng, có người 2, 3 tháng.
  • Nhưng sau đấy thì không nguy hiểm gì nữa ạ?
  • Ừ. Nhưng mà… Cháu nhìn phim này mà xem, cái này là mạch máu này, răng nó mọc sát, cái bên này còn xiên qua, mổ mà chẳng may chạm vào là máu nó tuôn ào ào ngay…
  • Vâng.
  • Nói chung là mổ cũng nguy hiểm.
  • Nhưng mà có nên nhổ không ạ?
  • Nên. Tất nhiên là nên chứ, kiểu gì cũng phải nhổ thôi.

Sau đó trông tôi có vẻ bâng khuâng, bác ấy bèn kê chút thuốc kháng sinh với giảm đau, bảo là nếu chưa muốn nhổ thì uống thuốc này, sau 2 tuần mà không đỡ thì phải đi khám lại đấy. Tôi vâng dạ, nhưng nghĩ nếu kiểu gì cũng phải nhổ thì trì hoãn thêm vài ba ngày cũng không để làm gì. Tôi quyết định sẽ nhổ ngay.

Do còn dở chút việc, nên chiều hôm sau tôi mới bắt đầu đi nhổ răng. Theo tôi tìm hiểu thì nhổ răng số 8 có nhiều rủi ro và nên chọn nơi uy tín, trong những nơi được khuyến cáo thì có viện Răng hàm mặt Trung Ương (RHM TW). Tôi mang phim bên Đại học Y sang đó, nói là muốn đăng ký nhổ răng, cậu trực gần cổng liếc qua tấm phim rồi bảo tôi đi làm thủ tục nhập viện. Tuy nhiên muốn nhập viện thì vẫn phải khám lại ở đây đã.

Khám cho tôi là một cô không già cũng không trẻ, lúc đầu tôi xưng em nhưng cô lại gọi tôi là cháu, thành ra hơi ngại. Cô ấy hỏi tôi có bảo hiểm không. Tôi bảo là không, vì theo tôi tham khảo thì nhổ răng số 8 khoảng 1,5 triệu/cái, 4 cái 6 triệu là số tiền tôi chấp nhận được. Nếu giải thích vì sao tôi không thích dùng bảo hiểm y tế thì đó là một câu chuyện rất dài và dựa trên trải nghiệm của bản thân, tôi không nêu ra để tránh những tranh luận không cần thiết. Nhìn chung, nếu số tiền không quá nhiều thì tôi sẽ không dùng bảo hiểm.

  • Cháu nhổ 4 cái thì sẽ mổ gây mê, cũng khá là tốn kém đấy.
  • Khoảng bao nhiêu ạ?
  • Tầm mấy chục triệu.
  • (tôi hơi phân tâm vì nhiều hơn tôi nghĩ) Có bảo hiểm thì giảm được bao nhiêu ạ?
  • Cũng được một phần.
  • Thế để cháu xem xét.

Sau khi suy nghĩ, tôi quyết định sẽ dùng bảo hiểm. Bác sĩ họ nói thế mà mình cứ kiên quyết không dùng thì bất thường quá.

Tôi về nhà lấy thẻ và sang viện 108, vì tôi đăng ký bảo hiểm ở đấy. Tôi hỏi bạn lễ tân thủ tục chuyển tuyến, thì bạn ấy bảo cứ vào khám rồi hỏi bác sĩ. Ok, khám bảo hiểm không mất tiền, chỉ mất 10k mua một quyển sổ, sau đó tôi được xếp vào phòng số 3. Chờ một lát thì một bạn y tá mang sổ khám của tôi vào phòng 3 ấy, nhưng bạn ấy ra ngay. Tôi nghe loáng thoáng là bạn ấy bị bác sĩ bên trong mắng vì bác ấy đang bận rồi, sao còn chọn phòng bác ấy nữa. Thế là tôi được chuyển sang phòng khác. Phải chờ khá lâu.

Khi đến lượt, tôi đưa sổ cho một cô y tá trong đó (nói chung tôi cũng chả biết là y tá hay điều dưỡng hay là gì, không phải bác sĩ thì tôi coi là y tá thôi), nói là muốn đăng ký chuyển tuyến. Thế là cô ấy nhảy dựng lên, nói tôi vô cùng nặng nề, rằng vì sao lại chuyển, sao chúng tôi phải chuyển? Cô ấy nói nhiều, hàm ý rằng tôi là một đứa tiểu nhân khôn lỏi đang giở trò để tiết kiệm tiền chữa bệnh bên kia. Thật lòng tôi không hiểu chuyện gì đang xảy ra nữa, totally unexpected. Nhưng cái cảm giác bị coi thường này cuối cùng cũng đã trở lại rồi.

Cô ấy luôn miệng bảo vị bác sĩ ghi sổ cho tôi để còn chuyển sang bệnh nhân khác, dù rằng tôi đã nói là không chuyển thì bác sĩ cứ xem phim chụp đi đã, vì tôi biết là trường hợp của mình khó, nếu bên này không làm được thì sẽ chuyển thôi chứ có gì mà nghiêm trọng vậy.

Sách vở cũng chỉ là sách vở, kiến thức đến lúc dùng mới hận rằng mình biết quá ít. Mọi chuyện ở đời làm gì cứ đơn giản là nếu không hợp thì chia tay như thế.

Vị bác sĩ bảo với cô y tá là cứ từ từ, làm gì mà vội, sau đó mở phim của tôi ra xem một lát.

  • Ca này khó đấy…
  • Anh nói thật là ca của em khá khó đấy. Làm thì bên anh vẫn làm, nhưng bên anh là gây mê tại chỗ, còn bên kia họ gây mê toàn thân sẽ tốt hơn.
  • Nếu là anh thì anh sẽ làm bên kia, vì họ có điều kiện, thiết bị…
  • Bên anh thì sẽ hạn chế hơn…
  • Nhưng như anh nói từ đầu, là bọn anh sẽ không chuyển tuyến. Không việc gì bọn anh phải chuyển cả, vì bọn anh là bệnh viện cùng cấp, thậm chí bọn anh còn cấp cao hơn vì bọn anh là đa khoa.
  • Mình thanh niên theo anh đừng tiếc tiền mấy cái này, cả đời cũng chỉ làm một lần. Bỏ mấy chục triệu mua cái iPhone còn được, cái này nó khó, cứ mổ dịch vụ cho nó yên tâm.
  • Tức là bảo hiểm thì mổ kiểu khác, không bảo hiểm thì mổ kiểu khác ạ?
  • Cái đó thì tất nhiên rồi, vì bảo hiểm họ chỉ chi trả đến mức độ nào đấy thôi. Em làm dịch vụ thì em cứ chọn cái nào tốt nhất em làm, sẽ bớt đau đớn hơn. Mà chắc mổ cái này chục triệu thôi chứ làm gì mà mấy chục triệu.

Tôi đánh giá là bác sĩ đã rất chân thành khi cho tôi lời khuyên, những gì đã xảy ra là vì nó bắt buộc phải xảy ra như thế thôi. Nhưng tất nhiên, về cái lý do không cho chuyển tuyến vì đây là bệnh viện cấp cao hơn, mới nghe thì hợp lý nhưng nghĩ kỹ lại thì rất buồn cười.

Và cũng phải nói rõ là tôi không dùng iPhone.

Khi tôi trở về bên RHM TW thì đã quá giờ làm việc, tôi chỉ kịp hỏi qua về việc mổ có bảo hiểm và không bảo hiểm.

  • Như nhau hết em ạ, chỉ khác nhau về thủ tục hành chính thôi.
  • Em hỏi thì bên 108 bảo là mổ dịch vụ mình có lựa chọn tốt hơn?
  • Làm gì có chuyện đấy. Chẳng lẽ bảo hiểm thì bác sĩ này khám còn không bảo hiểm thì bác sĩ khác khám à? Ở đây không như thế.

Tôi thật lòng chỉ mong trái đất này sẽ mãi luôn bình yên như vậy.

Sáng hôm sau tôi đến khám, chụp X-Quang, xét nghiệm máu rồi nhận phòng. Bảo hiểm trái tuyến nên sẽ là 32% thay vì 80%, và phải ứng trước 14 triệu. Lúc tôi lên phòng, rõ là đúng phòng đúng giường nhưng vào thì lại có người ngồi đó rồi. Họ bảo chiều họ mới chuyển đi. (Sau này bác cùng phòng cho tôi biết là họ nói dối, họ là người ở ngoài, chỉ vào phòng này ngồi nhờ thôi)

Không có giường nên tôi đành về rồi chiều quay lại. Cơ mà nằm mãi cũng không thấy ai đến hỏi han gì, tôi định tối sẽ chuồn về. Nhưng lúc sắp thực hiện ý đồ thì vợ tôi nghe ngóng được là mai tôi sẽ mổ, tối nay phải xuống phòng hành chính làm thủ tục.

Cái thủ tục cũng không có gì, những người phẫu thuật vào ngày mai như tôi được dẫn vào một phòng với cái bàn to ở giữa, mọi người ngồi xung quanh. Có một cô bác sĩ trung niên gọi từng người lên, hỏi qua về tình hình sức khỏe, tiền sử bệnh tật, chủ yếu là để xem có đủ điều kiện mai phẫu thuật không. Tôi không may mắn lắm, có chút vấn đề nên mai phải đi làm điện tim trước. Ngoài ra, từ 12h đêm nay chúng tôi bắt đầu phải nhịn ăn uống.

Sáng tầm 6h30 chúng tôi xuống phòng hành chính, anh y tá đo lại huyết áp rồi cho chúng tôi lên phòng chờ. Khoảng 8h anh ấy lên bảo tôi đi điện tim bên một viện tư chỗ 22 Nghĩa Dũng, cũng khá xa. Có một bác già cũng làm điện tim nên anh ấy nhờ tôi dẫn bác ấy đi cùng. Vì bác ấy trông rất già, tóc bạc nhiều nên tôi cứ tưởng là một bà cụ, sau mới biết bác ấy chỉ mới 57 tuổi. Tôi hỏi bác ấy đi ô tô được không, vì tôi định gọi Grab, bác ấy nói nhỏ với tôi là đi xe ôm cho nhanh chú ạ. Tôi nghĩ bác ấy muốn tiết kiệm, nên bảo là không đáng mấy đâu, với lại tôi cũng không nghĩ sẽ kêu bác ấy share tiền. Trên đường đi thì cảm nhận của tôi không sai, bác ấy than vãn khá nhiều về chuyện đi khám chữa bệnh kiểu này tốn kém quá, bảo hiểm 100% mà cái gì cũng phải bỏ tiền tươi. Cả cái xét nghiệm này bác ấy cũng cho rằng tụi nó cứ vẽ ra để ăn tiền. Tôi không cố để phá vỡ cái suy nghĩ ấy. Tôi hoàn toàn thông cảm và đối với tôi mà nói, y tế vẫn đang là gánh nặng cho hầu hết mọi người, nhất là khi bệnh tật là chuyện không ai có thể tránh được.

Khi trở về, tôi được nhỏ 2 giọt nước gì đó trên tay để thử dị ứng rồi dẫn xuống phòng chờ. Thật ra tôi nghĩ là tôi không cần phải xuống đây. Có nhiều người khác cũng ngồi giống tôi, vạ vật vạ vật, nhìn từng người mổ xong thì được y tá kéo vào. Có một cô (sau này mới biết là cô nằm cạnh giường tôi, vào trong này phải bỏ kính ở ngoài nên tôi không nhận ra), tôi thấy sau khi kéo vào thì y tá buộc tay chân cô ấy lại, rồi một lúc sau cô ấy gồng hết cả người lên và cả phòng ngập trong tiếng rít của cô ấy. Cảm tưởng là cô ấy đang vô cùng khó thở, rất đau đớn và chúng tôi đều đinh ninh có chuyện gì đó không hay đang xảy ra. Có thể là một ca phẫu thuật hỏng. Tuy nhiên y tá lại hoàn toàn bình tĩnh, nhìn chúng tôi: “Mọi người quay mặt đi, đừng nhìn, đây là phản xạ bình thường khi tỉnh lại sau gây mê” 

Ngồi mãi cũng chẳng biết làm gì, mọi người bắt đầu hỏi nhau xem đi phong bì bác sĩ bao nhiêu. Người thì 500 nghìn, người thì 1 triệu. Họ kể nhiều chuyện mắt thấy tai nghe sinh động lắm, rằng không đi tiền thì lúc khâu nó giật chỉ cho phát bật hết cả máu ra, rồi thì đi 500 với 1 triệu nó khác nhau hẳn luôn, 1 triệu thì nó hỏi han các kiểu, còn 500 thì nó chỉ làm đủ nghĩa vụ thôi. Rất, rất nhiều ví dụ khác. Bác gái ban nãy hỏi tôi là đi bao nhiêu, tôi bảo là cháu không đi (thật trớ trêu là bác ấy đã khó khăn đến thế rồi mà còn phải bỏ thêm 1 triệu vô thưởng vô phạt như vậy). Đi tiền bác sĩ trước phẫu thuật là một việc rất xấu hổ mà tôi bảo thủ đến mức không thể làm được, dù chỉ một lần.

Chờ đến trưa vẫn không tới lượt, cô y tá cho tôi và một bạn gái uống chút nước đường, còn một bác già thì được truyền nước. Cô ấy giải thích đây là đường Glu cô, thấm vào máu nhanh lắm chứ không như đường bình thường.

Thêm khoảng 30 phút, có một chú ra bảo là hay chúng tôi lên phòng chờ rồi lúc nào mổ thì cô y tá kia lên gọi xuống, vì chắc phải 2, 3 tiếng nữa mới đến lượt. Cô y tá không đồng ý, bảo thôi tiêm cho tí nước đường chứ lên làm gì mất công xuống. Chỉ hai người thôi mà họ cũng không thống nhất được quan điểm, chú kia thì bảo là đừng tiêm, cô này thì bảo tiêm, chú kia lại bảo đừng tiêm, cô này lại bảo tiêm. Tôi thấy không bình an.

Tôi và bạn gái nhìn nhau rồi bảo thôi để chúng cháu lên phòng.

Cô y tá ok, bảo 2h30 nhớ tự xuống nhé, cô không lên gọi đâu.

2h15 tôi xuống, thấy bác già truyền nước hồi trưa vẫn đang nằm truyền nước. Tôi xếp thứ tự ngay sau bác ấy, mà tình hình thế này thì nan giải quá, mấy người trong phòng bảo tôi chắc phải tối mới đến lượt.

Nhưng được một lát thì cô y tá gọi tên tôi, giải thích là bác già phải theo dõi thêm nên để tôi phẫu thuật trước. Nói mổ thì nghiêm trọng chứ lúc ấy tôi không thấy áp lực gì, chờ từ sáng chỉ mong vào nhanh ra nhanh chứ cái việc đằng nào cũng phải làm, càng chờ càng mệt.

Phòng phẫu thuật khá lạnh, tôi phải bảo họ tăng nhiệt độ lên. Không thấy bác sĩ đâu, chỉ thấy 3 y tá loay hoay gắn dây rợ với ống truyền vào tay tôi. Một bác y tá tự dưng hỏi:

  • Nặng bao nhiêu cân hả cháu?

Câu hỏi khá nhạt nhẽo và có phần dư thừa, nhưng tôi lại không thấy ngạc nhiên. Lý do là vì hồi sáng lúc ngồi chờ, bác gái già già đã từng mổ gây mê trước đó kể là vào đấy họ sẽ hỏi mình vài câu linh tinh, dạng như là để mình dần dần chìm vào giấc ngủ một cách tự nhiên ấy. Lúc đó tôi đã nghĩ là thế thì đến lượt mình phải cố nhớ xem họ hỏi những gì và đến khi nào thì mình bắt đầu buồn ngủ. Một trải nghiệm thú vị.

Tôi trả lời “XX ạ” và chờ câu hỏi tiếp theo.

Đột nhiên, tôi cảm thấy cổ mình như có cả nghìn mũi kim châm vào, vô cùng vô cùng đau, và miệng thì đầy dịch nhầy. Cái quái gì thế?

Tôi vùng dậy giãy giụa nhưng chỉ thấy trời đất tối sầm, tay chân vướng víu, mắt mãi không mở được. Tiếng của vợ tôi và một ai đó mơ hồ vang lên.

Cuối cùng thì, tôi nhận ra là mình đã được phẫu thuật xong 

Anh y tá giải thích với tôi là vì khi phẫu thuật phải đặt ống nội khí quản nên bị đau họng, uống nước dần dần sẽ đỡ. Cái dần dần này thực tế kéo dài vài ngày và chủ yếu là tôi khổ sở vì nó, chứ vết mổ thì không đau mấy.

Tôi nằm viện 5 ngày, được bác sĩ đi thăm 2 lần. Nói đúng ra là họ đi thăm buồng thôi chứ không phải thăm chúng tôi, như cách mà bác gái cạnh giường tôi dùng từ, thì là họ đi tour. Một vị lớn tuổi và khoảng chục sinh viên vào phòng, nhìn qua từng tờ giấy ở mỗi đuôi giường, khi thì họ hỏi bác gái là “mổ hôm nào?”, khi thì họ bảo tôi là “ra viện nhé?” rồi quay đi. Tôi nghĩ họ nói cho vui chứ không có ý nghĩa gì. Có khi họ còn chẳng biết ai với ai. Tôi mổ hôm trước thì hôm sau họ đã bảo ra viện, nhưng xuống làm thủ tục thì phòng hành chính lại bảo ai cho ra mà ra, bác sĩ còn kê thuốc mấy hôm cơ mà. Thật cạn lời.

Sau vài ngày tối về sáng đến, trưa lại về vì cả ngày chỉ nằm dài chờ 2 lần tiêm, tôi cũng được xuất viện. Phóng xe trên đường mà lòng vui phơi phới. Tôi nhớ lại toàn bộ quá trình và băn khoăn sao người ta nói nguy hiểm này nguy hiểm kia mà trong này đơn giản thế nhỉ. Chả nói đâu xa, cái anh cùng phòng tôi cũng nhổ răng số 8 nhưng chủ quan, đến bác sĩ hoa súng chứ không vào viện, nhổ xong ông ấy không khâu lại thế là cứ có một cái lỗ trong miệng, thức ăn nó rơi vào đấy lâu dần thành ra nhiễm trùng, phải vào đây cấp cứu. Cứ nhìn người khác làm một việc gì đó dễ dàng rồi suy ra đó là một công việc dễ dàng, quả thực sai rất sai.

Ôi cứ nghĩ đến cái cảm giác lúc tỉnh lại mà tôi vẫn còn thấy hết hồn 

3 Responses

  1. V I N H says:

    Cho chừa đi

  2. Anonymous says:

    Bài viết rất hay và sinh động anh ơi.

    • yeuchimse says:

      Quên like em ơi.

Leave a Reply to V I N HCancel reply