Càng đi càng xa
Có người cho rằng nên dẫn cậu học sinh kia đến bệnh viện K thăm các trẻ em đang bị ung thư, chắc chắn cậu ấy sẽ thấy trân trọng cuộc sống hơn. Người ta bệnh tật mà còn khát khao sống đến như thế.
Thật ra tôi từng dẫn một người bạn của tôi đến những nơi như vậy rồi, nhưng cái mà bạn tôi thấy lại là những cậu bé ung thư kia, ngoài ung thư thì những gì còn lại đều là màu hồng. Còn bạn tôi ngoài việc không bị ung thư ra.
Những gì còn lại đều là màu đen.
Thấu hiểu luôn là chuyện khó. Khi chúng ta không hiểu, chúng ta không thể giúp. Chúng ta an ủi một người vừa mất đi người thân rằng hãy sống vui lên, để người đã mất được yên lòng. Nhưng sẽ thế nào nếu người mà chúng ta an ủi vốn không hề tin vào kiếp sau, đối với họ người đã mất là người đã mất, chẳng còn cảm xúc, chẳng còn suy nghĩ gì nữa, người đó đã mất rồi, chỉ còn tôi là phải ở lại, tôi vui thế nào đây? Khi chúng ta không hiểu vì sao một người đau khổ, chúng ta không bao giờ giúp được họ. Chúng ta không những không giúp được, chúng ta còn khiến họ thêm bế tắc vì cảm thấy chẳng có ai hiểu mình. Trong những ngày đen tối nhất của cuộc đời bạn tôi, mẹ bạn tôi vẫn luôn nói với bạn tôi rằng ai làm đéo gì mày mà mặt lúc nào cũng lầm lầm lì lì.
Thật kỳ lạ.
Bạn tôi luôn thấy thật kỳ lạ vì sao những gì bạn tôi trải qua mẹ bạn tôi đều thấy, mà mẹ bạn tôi vẫn cho rằng.
Có ai làm gì bạn tôi đéo đâu?
Các em bé trong viện K có thể rất vui vẻ. Nếu không như vậy, chắc chúng ta cũng chẳng để ý đến các em ấy làm gì. Chỉ là nếu may mắn, bạn có thể bắt gặp một em bé khác, bố mẹ em ấy đang cãi nhau, bạn không nghe rõ lắm nhưng loáng thoáng là ĐM sống chết có số, chữa cũng có khỏi đéo đâu, sau này dắt nhau đi ăn mày à?
Thì bạn hãy để ý xem, em ấy có đang cười hay không.
Tất nhiên em ấy có lẽ là không cười, em ấy chỉ ngồi và nhìn xa xăm, một ánh nhìn không hợp với tuổi.
Chúng ta thường hay nhớ về những ngày tháng khó khăn, mà bây giờ khi thoát khỏi nó rồi thì thấy cũng thật bình thường, tuổi trẻ cứ thích làm quá lên, chỉ cần một chút bình tĩnh là xong.
Nhưng điều đáng tiếc là một chút bình tĩnh ấy ngày mai mới đến.
Còn hôm nay.
Chúng ta đã nhảy xuống rồi.
Khi đọc bài này của anh, em tự thấy suy tư. Xã hội ngoài kia khi thấy mình “lầm lầm lì lì” thay vì nhẹ nhàng hỏi thăm nhau thì họ lại bảo “Thằng này kém giao tiếp”. Đúng là thêm bế tắc!!!
Ở chỗ ngày trước anh làm có một cái tiêu chí gọi là Tôn trọng sự khác biệt. Có người nói nhiều có người nói ít, có người hướng ngoại thì thích team building hay các hoạt động mà với người hướng nội thì có thể lại thấy toàn là mấy trò con bò. Tất nhiên tiêu chí đưa ra là một chuyện còn có thực sự tôn trọng tính cách của nhau không lại rất khó, nhưng anh nhận ra là chờ người ta thay đổi thì lâu lắm.
Kiểu như nếu anh xăm hình thì anh sẽ chấp nhận bị dị nghị, bị đánh giá, chứ không cố tranh cãi với người ta rằng mình xăm lên da chứ không xăm lên nhân cách. Anh vẫn thích lối sống hướng nội của mình, nhưng anh cũng hiểu là ở góc nhìn của người hướng ngoại thì tính cách của mình rất ảnh hưởng đến các cuộc vui của họ. Mình thông cảm cho cái khó chịu, vô tâm của họ là cũng đang gỡ bỏ gánh nặng của chính mình. Nên là cứ chill thôi em, tập cách từ chối những gì mình không thích, nhưng cũng không cần phải ghét bỏ người mà mình từ chối 🫡