Tự xử

Tôi từng thắc mắc vì sao khi còn học tiểu học, có những đứa bạn của tôi thậm chí không thể giải nổi mấy bài toán đơn giản. Ngày ấy tôi tự nghĩ rằng tôi chăm chỉ hơn, còn chúng thì lười nhác. Sự cố gắng, cần mẫn mang lại cho tôi kết quả tốt hơn chúng nó.

Thời gian trôi qua, những con người mà tôi tiếp xúc hàng ngày, trên những giai đoạn khác nhau, chỉ cho tôi thấy là mình đã sai. Những đứa bạn ngày xưa vốn dĩ chúng không lười hơn tôi. Tôi bỏ 1 giờ để học Toán, chúng cũng bỏ 1 giờ. Nhưng sau 1 giờ, tôi đã chuyển sang môn Văn còn chúng thì vẫn đang ở môn Toán. Chúng không lười hơn tôi, nhưng chúng không nhận được thành quả tương xứng như tôi đã được nhận. Cuộc sống này không công bằng.


Hồi cấp 3, internet đối với tôi vẫn là một thứ khó với. Tôi hay phải ra quán net cắm USB để download cái này cái kia, và hiển nhiên không ai thích một thằng ra quán net mà lại không chơi game. Việc download của tôi cũng ảnh hưởng đến những người khác, nên dần dần tôi không được chào đón nữa. Tôi thấy ngại, nhưng không biết phải làm sao, nên chừng nào còn cố được thì tôi vẫn cứ cố.

Cho đến một hôm, trong lúc đang đợi đến lượt, tôi nhìn vào mấy cái cây máy tính và nhận ra chủ quán họ đã dán hết mấy cổng USB lại rồi.


Có một câu chuyện từ ngày còn rất bé mà tôi không thể quên được, nhiều lúc chẳng làm gì tự nhiên lại nhớ về nó. Ngày ấy, máy tính vẫn chưa xuất hiện, nhà tôi có một cái đầu điện tử 4 nút, hỏng lên hỏng xuống mãi, dán keo chằng chịt, mẹ tôi cũng ít cho chơi. Lớp tôi tổ chức đi tham quan nhưng tôi không đi, tiết kiệm tiền là một chuyện nhưng chuyện khác là tôi nghĩ ở nhà được mẹ cho chơi điện tử cũng thích.

Sáng tôi dậy rất sớm, sau khi dọn hàng với mẹ xong thì về lôi cái máy ra. Nhưng mở thì nó không lên, lọ mọ nhìn mới thấy có một cái tụ bị gãy rồi. Có lẽ là do mẹ tôi cất không cẩn thận, nhưng mấy điều đó thì còn quan trọng gì nữa. Tôi nằm ra giường, mắt nhìn lên trần nhà, vô cùng chán.

Mẹ tôi về thấy tôi nằm đó mà không chơi, cười hỏi là sao thế, máy hỏng à. Tôi rơm rớm nước mắt, bảo không. Mẹ tôi lại cười, hỏi thế được mấy ván rồi.

Nhưng lần này tôi không trả lời nữa.


Một câu chuyện khác tôi cũng không quên, khi cái đầu điện tử chưa hỏng. Đợt đó một đứa trong đám tôi chơi có cái băng rất hay, toàn trò lạ mà tôi xem nó chơi mãi không biết chán. Tôi mượn nó nhiều lần, nó đều không cho.

Mãi đến một tối nó đến chỗ nhà tôi chơi đá bóng, mới mang theo cái băng, bảo là cho mượn 1 tiếng thôi đấy. Tôi đang tắm mà nghe thế cũng phải cuống cuồng mặc quần áo vào. Nhưng nào có kịp tận hưởng đâu, trong trí nhớ của tôi, chưa kịp sướng thì nó đã đòi rồi, làm tôi cứ ngẩn ngẩn ngơ ngơ.


Thấu hiểu luôn là chuyện khó. Chúng ta có xu hướng nghĩ rằng mình là trung tâm của mọi thứ, nghĩ rằng mình thật khổ, trong khi nhiều khả năng là người khác cũng đã và đang phải chịu những khổ sở như vậy, thậm chí còn hơn. Tổn thương về tinh thần là khó nhận ra nhưng hậu quả lại nặng nề hơn cả. Những gì của ngày bé không làm hỏng tôi, hoặc chỉ đơn giản là chuyện đã qua, trẻ con ai chẳng thế có gì mà nghiêm trọng hóa lên, nhiều người sẽ nói vậy. Bố mẹ tôi chắc cũng chưa từng biết đến chúng. Nhưng tôi luôn nghĩ nếu con tôi sau này phải ở vào cảnh của tôi ngày ấy, tôi sẽ cảm thấy rất có lỗi.

Thật tiếc là những điều không vui lại làm chúng ta nhớ lâu đến thế…

6 Responses

  1. Chiến Vũ says:

    hồi cấp 3 ở quê cụ thể là năm lớp 12, nhà em chưa có điều kiện có máy tính với Internet. Em ra quán thi toán trên mạng mà cứ bị mọi người nhìn như thằng thiểu năng xD

    • yeuchimse says:

      Haha nói thi trên mạng lại nhớ hồi đấy anh thi vớ vẩn trên truongtructuyen.vn mà nhất luôn, được tặng cái usb :v

  2. Datpham says:

    Em thì chẳng được ra net toàn sang nhà thằng hàng xóm ngồi xem nó chơi máy tính, Nhiều lúc nó chơi ngu mình chỉ nó đuổi về. Nghĩ lại Acay quá =))

    • yeuchimse says:

      Em kể làm anh nhớ lại thằng cho mượn băng 1 tiếng cũng thấy bực nó ghê xD

  1. […] hay những việc ít dùng đến đầu óc khác, không hẳn là họ muốn như vậy. Ngày trước tôi cũng hay nghĩ theo kiểu mình đã vất vả học hành, thức đêm thức hôm, lúc […]

  2. […] Thấu hiểu luôn là chuyện khó. Khi chúng ta không hiểu, chúng ta không thể giúp. Chúng ta an ủi một người vừa mất đi người thân rằng hãy sống vui lên, để người đã mất được yên lòng. Nhưng sẽ thế nào nếu người mà chúng ta an ủi vốn không hề tin vào luân hồi, không hề tin vào kiếp sau, đối với họ, người đã mất là người đã mất, chẳng còn cảm xúc, chẳng còn suy nghĩ gì nữa, vậy lấy cái gì để yên lòng? Khi chúng ta không hiểu vì sao một người đau khổ, chúng ta không bao giờ giúp được họ. Chúng ta không những không giúp được, chúng ta còn khiến họ thêm bế tắc vì cảm thấy chẳng có ai hiểu mình. Trong những ngày đen tối nhất của cuộc đời tôi, mẹ tôi vẫn luôn nói với tôi rằng ai làm đéo gì mày mà mặt lúc nào cũng lầm lầm lì lì. Thật kỳ lạ. […]

Leave a Reply to DatphamCancel reply